3 TIPS CHỌN KOL HIỆU QUẢ CHO CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG
Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất nhiều tới nền kinh tế nhưng trong số đó, vẫn có không ít ngành hàng “lên như diều gặp gió” vì biết tận dụng thời cơ để quảng bá sản phẩm, đồng thời lồng ghép khéo léo những lợi ích của sản phẩm vào bối cảnh chung, cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho khách hàng.
Một trong số các kênh tiếp cận tiềm năng và hiệu quả nhất vẫn được nhiều nhãn hàng lựa chọn đó chính là KOL. Những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội vẫn là lựa chọn tối ưu để nhãn hàng đến gần hơn với công chúng, đồng thời tạo dựng độ tin cậy và uy tín dành cho thương hiệu. Tuy nhiên, bài toán ngân sách và sức ép về mặt doanh thu vẫn là điều cần lưu ý khi lựa chọn KOL phù hợp.
Dưới đây là một số tips mà bạn cần biết khi “chọn mặt gửi vàng” vào KOL đó nhé!
Chọn KOL phù hợp với mục đích truyền thông
Trước khi quyết định “gửi gắm” chiến dịch truyền thông vào KOL, hãy cân nhắc xem mục đích truyền thông của bạn là gì? Nâng cao doanh số bán hàng hay tăng cường mức độ nhận biết của người tiêu dùng dành cho thuơng hiệu? Trả lời được câu hỏi này bạn sẽ biết nên xây dựng chiến dịch KOL như thế nào là hiệu quả.
Với những người nổi tiếng, họ là người được truyền thông săn đón nhiều nhất. Bất kỳ một hoạt động nào của họ cũng được “viral” một cách bị động thông qua các kênh báo chí. Vì vậy, nhóm KOL này sẽ giúp sản phẩm của bạn tạo được sức lan toả với cộng đồng, nâng cao uy tín cho thương hiệu. Đặc biệt, một số KOL xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt công chúng thông qua những hoạt động cá nhân nổi bật hiện nay như Thuỷ Tiên – Công Vinh, thì những bài đăng của họ còn thu hút lượng lớn người xem và tạo độ phủ sóng mạnh mẽ cho nhãn hàng.
Nhóm KOL thứ 2 là những Marcro Influencer, tuy xét về độ nổi tiếng họ có thể không bằng với Celebrity nhưng nhóm KOL này lại có sự tương thích và liên quan đến sản phẩm của nhãn hàng nhiều hơn. Đặc biệt, những KOL này cũng có cách xây dựng nội dung riêng, thấu hiểu Fan và follower nên thường những bài chia sẻ của họ dễ dàng thuyết phục được người xem, tạo ra quyết định mua hàng nhanh chóng, đồng thời xây dựng sự thiện cảm với người xem nhờ vào việc tích cực tương tác giữa đôi bên.
Chọn KOL gần gũi với khách hàng mục tiêu
Đôi khi, không phải cứ “đốt” tiền vào những KOL càng nổi tiếng, follower càng cao để chia sẻ bài đăng về sản phẩm sẽ hiệu quả. Thay vào đó, cần xem xét đối tượng mà thương hiệu muốn hướng đến để lựa chọn KOL cho phù hợp với sản phẩm. Điều này sẽ giúp cho nhãn hàng có được cách tiếp cận tinh tế và nhiều sắc thái hơn để tạo ấn tượng tốt tới đúng đối tượng mục tiêu.
Ví dụ, với một thương hiệu chuyên cung cấp các sản phẩm cho nhà bếp thì đối tượng khách hàng mục tiêu chính là các bà nội trợ. Vì vậy, cần tập trung vào những KOL chuyên chia sẻ về chuyện gia đình, bí quyết chăm sóc người thân. Họ thông minh, sắc sảo nhưng cũng đảm đang, vén khéo trong chuyện bếp núc. Những chia sẻ và hình ảnh của họ có thể mộc mạc, giản dị nhưng gần gũi và đánh đúng vào tâm lý chung của các bà nội trợ. Đồng thời, họ biết uyển chuyển lồng ghép sản phẩm một cách khéo léo vào bài viết để đảm bảo sự tự nhiên, chân thực và giúp người đọc không bị “ám ảnh” vì nghĩ đó là một bài viết thương mại.
Lựa chọn hình thức quảng cáo phù hợp
Facebook và Instagram là hai nền tảng quảng cáo được KOL lẫn nhãn hàng yêu thích vì dễ dàng tiếp cận đến hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu khách hàng, đồng thời giúp thông điệp từ nhãn hàng gây được thiện cảm với công chúng nhờ vào chất lượng hình ảnh và nội dung được đầu tư, chăm chút. Tuy nhiên, trong thời điểm người người, nhà nhà tích cực mua sắm trực tuyến thì những bài viết với nội dung chia sẻ về trải nghiệm của chính KOL với sản phẩm sẽ dễ dàng tạo được sự quan tâm và thu hút người xem hơn so với những bài viết share link thông thường.
Thông qua những bài review trải nghiệm của KOL, người xem có thể nhanh chóng tạo được sự tin cậy và yêu mến đối với thương hiệu, đồng thời kích thích nhu cầu mua sắm và dùng thử. Ngoài ra, hình thức livestream cũng là một cách tiếp cận hiệu quả tới người tiêu dùng. Vì người xem có thể được “tận mục sở thị” cách KOL của họ sử dụng sản phẩm, bày tỏ quan điểm cá nhân, và tương tác qua lại để được giải đáp các vấn đề thắc mắc liên quan đến sản phẩm.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý về việc can thiệp vào “tone&mood” bài viết của KOL. Tránh tham lam để đưa quá nhiều nội dung vào bài viết gây nên sự gượng ép và cứng nhắc, thay vào đó hãy tôn trọng văn phong riêng của từng KOL. Để KOL bày tỏ quan điểm về sản phẩm, dịch vụ của bạn dưới góc nhìn khách quan, chân thực nhất nhưng vẫn đảm bảo truyền tải đầy đủ thông điệp mà nhãn hàng muốn hướng tới. Chính cách tiếp cận tự nhiên này sẽ giúp thương hiệu tạo được thiện cảm và yêu mến từ công chúng.